Dịch thuật chất lượng

Chất lượng tạo nên giá cả và giá trị của bản dịch cũng như định hình uy tín của biên dịch viên. Dịch thuật vốn dĩ không phải nghề mà bất kỳ người biết tiếng nước ngoài nào cũng có thể làm tốt.
Dịch thuật chất lượng

Dịch chất lượng không đơn giản

Không có lý do gì để biện hộ cho một biên dịch viên không học các công cụ mới hoặc các kỹ thuật mới để tạo nên các bản dịch có chất lượng tốt hơn. Bài viết này đưa ra các lưu ý để các biên dịch viên có thể có được bài dịch với chất lượng tốt hơn.


Đối với các công ty dịch thuật (thường được gọi là công ty cung cấp dịch vụ ngôn ngữ), quy trình dịch thuật được thực hiện qua một số bước mà biên dịch viên cá nhân thường không hề biết đến. Biên dịch viên học việc từ các công ty dịch thuật thường quen với các quy trình và họ thường có hướng tiếp cận chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn so với những người vì lý do này hay lý do khác bước vào nghề dịch. Dịch thuật không chỉ đơn giản là gõ tiếng nước ngoài và sử dụng một hay hai công cụ bộ nhớ dịch thuật. Dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp thường cần cả hiệu đính và đọc soát. Đây là hai bước rất quan trọng trước khi tài liệu được giao cho khách hàng.
Tiêu chuẩn Chất lượng Dịch thuật EN15038 của Châu Âu nêu rõ, dịch vụ chuyên nghiệp cần được thực hiện mỗi giai đoạn một cách độc lập. Điều này có nghĩa rằng người dịch không thể đồng thời là người hiệu đính và người đọc soát cũng không thể đồng thời là biên dịch viên hay hiệu đính viên. Thông thường, điều này không thực tế vì người dịch lại thường là người đọc soát công việc của họ sau khi nhận được góp ý từ hiệu đính viên. Dù sao chăng nữa, giai đoạn kiểm soát chất lượng vẫn cần được thực hiện. Tuy nhiên, làm sao bạn làm được việc này khi bạn là biên dịch tự do? Nếu là biên dịch tự do, bạn cần có các bước kiểm soát chất lượng trước khi giao sản phẩm và dĩ nhiên không bao giờ nên giao bài cho khách trước khi đã kiểm tra kỹ càng. Đôi khi, bạn cũng có thể nhờ bạn bè, đồng nghiệp để kiểm tra bài dịch, nhưng không phải lúc nào bạn cũng kiếm được người vừa có thời gian vừa sẵn lòng giúp bạn.
Vấn đề là khi khách hàng và biên dịch viên nói về “dịch thuật” họ thường nhắc tới như là một quy trình duy nhất trong khi quy trình duy nhất này bao gồm cả Biên dịch, Hiệu đính Đọc soát. ST&T luôn coi trọng chất lượng bản dịch do đó việc biên dịch chất lượng là bước khởi đầu để các bước khác có thể được thực hiện suôn sẻ.
Công tác dịch thuật đã đổi thay nhiều kể từ khi xuất hiện bộ nhớ dịch và các công cụ hỗ trợ dịch thuật. Ngày nay công tác rà soát bản dịch có thể thực hiện thông qua các công cụ như SDL Trados Studio hay QA Distiller nhằm đảm bảo độ chính xác và tính nhất quán trong cùng tập tin và trong các tập tin khác nhau.
Dưới đây là các lưu ý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch thuật.

Công tác chuẩn bị:

Khi bạn nhận được bài dịch, công việc đầu tiên bạn cần thực hiện không phải là cắm đầu vào dịch mà cần thực hiện các công tác chuẩn bị trước khi bắt tay vào dịch dòng đầu tiên.


Thứ nhất, bản cần kiểm tra số lượng tập tin xem có khớp với đơn hàng đưa ra hay không, nếu có thiếu tập tin nào bạn cần liên hệ ngay với khách hàng để xác nhận lại.
Thứ hai, bạn cần kiểm tra lại định dạng tất cả các tập tin nhận được, và nếu có tập tin nào bạn không có công cụ để mở hay không đọc được, bạn cần phản hồi ngay cho khách hàng.
Thứ ba, bạn hãy đọc tất cả các hướng dẫn đi kèm mà khách hàng đưa ra: những chỉ dẫn này rất quan trọng để định hướng công việc của bạn.
Thứ tư, bạn cần thực hiện các thao tác chuẩn bị dự án, như tạo danh mục từ vựng từ danh mục thuật ngữ khách hàng đã gửi, tạo các thư mục dự án dịch hợp lý, tổng hợp và sắp xếp các tài liệu tham khảo hợp lý và dễ truy cập nhất trong quá trình dịch.
Thứ năm, đọc qua tất cả các tập tin nguồn để đảm bảo bạn bắt đầu làm quen với chủ đề, phong cách và các thuật ngữ cần dịch.
Thứ sáu, đối với một chủ đề dịch mà bạn không rành, bạn hãy bỏ thời gian tìm hiểu trên mạng internet về chủ đề đó. Nếu bạn dịch tài liệu kỹ thuật liên quan tới xe hơi, hãy tìm một trang web về một thương hiệu xe hơi song hoặc đa ngữ trong đó có ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bạn sẽ dịch hoặc có thể tìm hai trang web khác nhau có 2 ngôn ngữ đó để tìm hiểu trước. Nếu bạn dịch về các thiết bị y tế, bạn cần tìm tài liệu tại các trang web liên quan. Công việc này gọi là việc “hậu trường”. Tôi đảm bảo với bạn rằng, thời gian bạn bỏ ra sẽ sớm được trả giá. Việc này đơn giản giống như khi bạn đặt câu hỏi: Liệu bạn có nhận việc từ một khách hàng là hoắc mà không tìm hiểu về họ không? Hay liệu bạn có đi gặp mặt ai đó mà không hề tìm hiểu họ là ai không? Hay liệu các công ty có kiểm tra các biên dịch viên tự do hoặc nhân viên mà họ sẽ thuê không? Việc tìm hiểu luôn là điều cần thiết để ít nhất chúng ta có cảm giác thoải mái, tự tin hoặc an toàn khi làm việc.

Một câu hỏi đặt ra là nếu một lĩnh vực bạn không nắm rõ, bạn có nên nhận việc không? Thực tế bạn có thể nhận. Các biên dịch viên chuyên nghiệp thường chuyên về một vài lĩnh vực, và khi họ đã nắm rõ thường họ sẽ không nhận việc nằm ngoài lĩnh vực của họ. Nếu bạn dịch một lĩnh vực hoặc một khách hàng nhiều lần, sớm muộn bạn cũng có khả năng nắm rõ lĩnh vực đó. Nếu là cơ hội thu nhập tốt, không có lý do gì để bạn từ chối cả.

Công tác biên dịch:

Thứ nhất, đừng bao giờ quá tự tin vào năng lực của mình, luôn coi các cỗ máy tìm kiếm như Google, Yahoo, hay Bing là người bạn thường xuyên của bạn. Khi gặp bất kỳ vấn đề vấn đề gì vướng mắc, hãy tham khảo những người bạn tận tụy vô hình này. Ví dụ, khi gặp tên riêng một công ty như “Tổng Công ty Hàng không Việt Nam” đừng nhắm mắt dịch là Vietnam Aviation Corporation mà hãy tra cứu và bạn sẽ thấy rằng “Vietnam Airlines” mới là tên tiếng Anh chính thức. Thông thường Google là công cụ tìm kiếm phổ biến, nhưng nếu bạn dịch về công nghệ thông tin, Bing lại là cỗ máy đáng tin cậy hơn.
Thứ hai, sử dụng tất cả các tài liệu tham khảo, hướng dẫn định dạng, từ vựng và thuật ngữ đi kèm, đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ thuật ngữ đã được gửi cho bạn, nếu khách hàng đã tạo ra cơ sở dữ liệu, hãy sử dụng cơ sở dữ liệu này. Nếu từ vựng được gửi theo như là một tập tin excel, bạn có thể dùng các công cụ nhập vào phần mềm hỗ trợ dịch thuật và tạo danh mục thuật ngữ nhanh chóng. Đảm bảo rằng bạn luôn sử dụng nhất quán các thuật ngữ và phong cách dịch với các dự án trước đây. Thông thường bạn sẽ không phải là biên dịch đầu tiên tham gia vào quá trình xuất bản. Hiếm khi chúng ta gặp khách hàng sử dụng dịch vụ một lần và nếu bạn muốn thành công trong nghề dịch, bạn sẽ cần khách hàng thường xuyên và thu nhập đều đặn. Có thể đây là lần đầu tiên bạn dịch tài liệu cho một khách hàng, nhưng không phải là lần đầu tiên khách hàng đó đi thuê dịch vụ dịch thuật và họ sẽ luôn mong muốn có phong cách dịch và thuật ngữ nhất quán.



Thứ ba, không nên thay đổi công cụ dịch thuật mà khách hàng yêu cầu nếu bạn không rành việc chuyển đổi định dạng và các công cụ chuyển đổi định dạng cần được kiểm chứng và đáng tin cậy. Ví dụ: khi khách hàng chỉ định bạn sử dụng SDL Trados để dịch thì bạn không nên dùng WordFast và ngược lại. Dĩ nhiên, đối với các biên dịch đã cọ xát với nhiều công cụ dịch thuật, việc chuyển đổi không mấy khó khăn. Tuy nhiên, một khi bản dịch bạn gửi có cấu trúc khác với yêu cầu, khách hàng có thể sẽ mất nhiều thời gian để chuyển đổi lại và bạn có nguy cơ mất khách hàng đó.
Thứ tư, hãy liên hệ với khách hàng khi bạn gặp vấn đề với bộ nhớ dịch và từ vựng. Các biên dịch viên trước đây vì lý do nào đó có thể không làm theo các chỉ dẫn và bạn là người tiếp tục một dự án dịch dở dang hay mở rộng, một bộ nhớ lộn xộn với nhiều phong cách dịch khác nhau mà khách hàng gửi đến có thể ảnh hưởng tới uy tín của bạn. Bạn cần ghi lại ra một tập tin riêng các vấn đề về thuật ngữ và bình luận trong khi bạn làm việc. Hãy báo cho khách hàng biết về các vấn đề đó. Nhớ rằng, thông tin phản hồi luôn được đánh giá cao vì nó tạo dựng lên chất lượng và sự cải tiến trong quy trình dịch. Bạn sẽ ghi điểm trong mắt khách hàng và bạn sẽ xây dựng được danh tiếng như là một biên dịch viên tận tụy và có tâm.
Thứ năm, đừng bao giờ dịch nghĩa đen. Khách hàng và độc giả sẽ không bao giờ đánh giá cao bài dịch cứng nhắc, từng từ một. Các tài liệu kỹ thuật như máy móc, thiết bị, y tế, phần mềm, nhãn hiệu... sự chính xác về thuật ngữ được đặt lên hàng đầu. Trong khi, các loại sách văn học, tin tức… lại cần các cách diễn đạt hay và trôi chảy.
Thứ sáu, trong quá trình dịch bạn cần tách biệt quan điểm phê phán của mình ra khỏi công việc, luôn giữ thái độ trung lập. Bạn cần nhìn vào từ vựng và cấu trúc ngữ pháp để xác định nghĩa của văn bản, đừng áp đặt quan điểm, hiểu biết vốn có hay cách nhìn của mình vào bài dịch vì việc đó nhiều khi sẽ làm bài dịch của bạn bị thiên lệch và sai sót.

Kiểm tra chất lượng sau biên dịch:

Quan điểm chủ đạo cần có là đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có hiệu đính viên và đọc soát viên sửa lỗi cho bạn. Không ai thích sửa lỗi cho những người bất cẩn đâu.



Sau khi dịch xong:

Bước thứ nhất bạn cần làm là: kiểm tra tất cả các lỗi chính tả, đánh máy, ngữ pháp và xem có câu, đoạn nào dịch sót không.
Bước thứ hai, so từng câu gốc và câu dịch, xem liệu có vấn đề gì về mặt ngữ nghĩa hoặc hành văn hay không.
Bước thứ ba, chỉ đọc bản dịch mà không nhìn bản gốc để đảm bảo bản dịch của bạn hành văn tự nhiên và dễ hiểu. Người đọc tài liệu bạn dịch, họ không quan tâm văn bản đang đọc là văn bản dịch và được dịch như thế nào, họ chỉ muốn đọc văn bản bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Bước thứ tư, sử dụng các công cụ kiểm soát chất lượng để kiểm soát tính nhất quán giữa các tập tin dịch. Nhiều khi từng bản dịch bạn đã cảm thấy chất lượng rất tốt, nhưng khi dịch nhiều tập tin khác nhau, đây đó, bạn làm mất tính nhất quán về mặt thuật ngữ và phòng cách. Các công cụ kiểm soát chất lượng dịch như Xbench, SDL Trados Studio, QA Distiller là các công cụ rất tốt để bạn kiểm soát chất lượng liên văn bản. Các công cụ này không những cho phép kiểm tra chính tả, ngữ pháp, lỗi đánh máy, dịch sót, dịch không nhất quán (một câu nguồn mà có nhiều hơn một cách dịch hay các câu nguồn khác nhau lại có cùng một câu dịch….).
Bước thứ năm, hãy kiểm tra lại lỗi ngữ pháp, chính tả ở thành phẩm thêm một lần nữa. Việc này thực tế chỉ mất ít phút nhưng nếu không chỉ cần một lỗi đánh máy sẽ hủy hoại toàn bộ chất lượng dịch mà bạn đã cố công từ đầu đến giờ.

Gửi sản phẩm cho khách hàng:

Công tác gửi sản phẩm cho khách hàng tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong việc duy trì quan hệ khách hàng.

Khi gửi bài dịch, nếu bạn chỉ viết, bài dịch được đính kèm cùng với chữ ký của bạn, điều này có thể hiện sự thiếu quan tâm đối với khách hàng. Nếu bạn không có thời gian viết thêm vài dòng, đó có thể là dấu hiệu bạn không có thời gian kiểm tra kỹ chất lượng bản dịch. Hãy bổ sung các câu như bài dịch đã hoàn chỉnh và không có vấn đề gì trong quá trình dịch. Hay nếu bạn gặp vấn đề gì đó và bạn nghĩ bản dịch chưa được ổn thỏa hãy trình bày với khách hàng. Bạn có thể nói thêm bạn cảm thấy thoải mái và thích thú khi thực hiện công việc và mong muốn sớm được tiếp tục làm việc với các dự án tương lai.
Công việc biên dịch vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ, ý thức được những việc cần làm trong quy trình dịch thuật thực sự vô cùng quan trọng nhằm đạt được những bài dịch chất lượng và sự hài lòng từ khách hàng.