Như một câu thành ngữ tiếng Anh “To err is human” – Làm người ai không mắc lỗi, trong quá trình dịch thuật, do nhiều yếu tố khác nhau, biên dịch viên có thể mắc ít hay nhiều lỗi đối với sản phẩm dịch của mình. Chính vì thế việc rà soát, nhằm tối giản hóa lỗi dịch là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo bản dịch chất lượng.
Hiệu đính bản dịch là gì?
Hiểu một cách đơn giản hiệu đính bản dịch là rà soát và chỉnh sửa từng câu, từng đoạn trong văn bản dịch nhằm đảm bảo bản dịch truyền đạt chính xác và đầy đủ thông tin văn bản gốc.
Ai là người hiệu đính?
Hiệu đính viên bản chất là một biên dịch viên có trình độ ngôn ngữ (cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích) cao hơn các biên dịch viên thông thường một bậc và có những phẩm chất do thiên phú hoặc do rèn luyện bao gồm tính cẩn thận, tỉ mỉ , nhẫn nại và cầu toàn.
Khi ai đó quảng cáo “Hiệu đính bởi người bản ngữ” cũng có nghĩa là họ không hề hiểu về nghề dịch. Người bản ngữ (ý của họ là đối với ngôn ngữ đích) thực sự không hề ăn nhập với chất lượng bản dịch ở công đoạn này vì kiểu gì thì người hiệu đính cũng là người bản ngữ của ngôn ngữ nguồn hoặc ngôn ngữ đích. Ở giai đoạn này, ngữ nghĩa được truyền đạt là quan trọng nhất, khi văn bản gốc ghi là “Táo” thì người hiệu đính phải hiểu và làm rõ “Táo” là Táo tầu hay Táo ta hay thương hiệu “Quả Táo”.
Điều quan trọng đối với một hiệu đính viên là năng lực ngôn ngữ và phẩm chất của họ. Người bản ngữ ở ngôn ngữ đích chỉ thực sự quan trọng ở giai đoạn đọc soát (proofreading).
Công việc của hiệu đính viên là gì?
Thứ nhất, đọc hiểu từng câu trong văn bản gốc và so sánh với bản dịch xem có sự khác biệt về ngữ nghĩa và chỉnh sửa (nếu có).
Thứ hai, đọc từng đoạn trong văn bản gốc và so sánh với đoạn đó trong văn bản đã hiệu đính để kiểm tra các liên kết câu và ý nghĩa của đoạn và chỉnh sửa (nếu cần thiết).
Thứ ba, hiệu đính viên cần đảm bảo tính nhất quán khi dùng thuật ngữ trong toàn bộ văn bản (đối với văn bản kỹ thuật) để tránh hiểu lầm không đáng có.
Thứ tư, kiểm tra các nội dung trình bày văn bản giới hạn ở các nội dung như dấu câu (dấu chấm, dấu phẩy, dấu cách), định dạng từ, cụm từ (in đậm, in nghiêng, gạch chân, chữ hoa, chữ thường).
Khi hiệu đính văn bản, hiệu đính viên sẽ luôn để chế độ “Truy biến” – Track Changes, để sau khi hoàn thành việc hiệu đính và gửi phản hồi, biên dịch viên của bản dịch đó có thể học được từ những chỉnh sửa và cải thiện chất lượng dịch của họ sau này.
Cũng có không ít trường hợp, hiệu đính viên gặp phải văn bản dịch mắc quá nhiều lỗi ngữ nghĩa, việc duy nhất họ sẽ làm là gửi trả lại bản dịch và yêu cầu người khác dịch lại.
Để hiệu đính hiệu quả, việc sử dụng phần mềm hỗ trợ dịch thuật như Trados Studio với bộ nhớ dịch và cơ sở thuật ngữ có thể tra cứu dễ dàng, hay các tính năng tìm kiếm thay thể tại văn bản nguồn hoặc văn bản đích, sửa toàn bộ văn bản... sẽ làm công việc hiệu đính dễ dàng và thú vị hơn.
Tại sao hiệu đính viên cần có các phẩm chất: cẩn thận, tỉ mỉ, nhẫn nại và cầu toàn
Cẩn thận: tính cẩn thận giúp hiệu đính viên phát hiện được bản dịch có bỏ sót từ, cụm từ mà có thể ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của câu.
Tỉ mỉ: Từng dấu chấm, dấu phẩy, in đậm, in nghiêng… đều cần chỉn chu.
Nhẫn nại: cảm giác bực mình, khó chịu thường là cảm giác thường trực của những người mới làm công tác hiệu đính khi họ gặp những bản dịch ẩu hoặc bản dịch từ các biên dịch viên trình độ còn non bởi bản dịch đó hẩu như vô dụng, có vô số lỗi về dùng từ, sai hoàn toàn về mặt ngữ nghĩa, dịch bỏ sót từ, bỏ sót câu…. Thông thường, hiệu đính viên sẽ gửi trả để người khác dịch lại, nhưng do yêu cầu về tiến độ, giới hạn về nhân lực hay yêu cầu đào tạo nhân viên mới, hiệu đính viên cần nhận nại để thực hiện việc hiệu đính văn bản.
Cầu toàn: Việc hiệu đính lướt qua chấp nhận những sai sót nhỏ không bao giờ tạo ra được sản phẩm dịch chất lượng cao.
Tầm quan trọng của hiệu đính trong dịch thuật
Tuy hiệu đính chưa phải là khâu cuối cùng của một sản phẩm dịch, nhưng hiệu đính lại là khâu quyết định tính chính xác và đầy đủ về mặt nội dung của văn bản. Hiệu đính đảm bảo được các vấn đề như: tối giản lỗi ngữ nghĩa, không dịch sót, bỏ dấu và định dạng chuẩn ở cấp độ câu và đoạn.